Rác thải nhựa là gì? Có ảnh hưởng thế nào đến môi trường

Rác thải nhựa là gì? Có ảnh hưởng thế nào đến môi trường
Đánh giá bài viết

Rác thải nhựa đã và đang là vấn nạn toàn cầu. Vậy rác thải nhựa là gì và có ảnh hưởng tiêu cực với môi trường ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Rác thải nhựa là gì?

Rác thải nhựa là thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm làm từ nhựa chưa hoặc đã qua sử dụng bị vứt bỏ ra môi trường, bao gồm: túi, chai, cốc, ống hút, đồ chơi cũ…

Rác thải nhựa tràn ngập ngoài môi trường
Rác thải nhựa tràn ngập ngoài môi trường

Có thể phân loại rác thải nhựa dựa trên nguồn gốc như:

  • Rác thải nhựa sinh hoạt: dùng trong cuộc sống hằng ngày của con người như rác thải của dân cư, khách du lịch, khách vãng lai…
  • Rác thải nhựa kinh doanh: xuất phát từ các chợ, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi – giải trí,…
  • Rác thải nhựa công nghiệp: đến từ các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, công trình xây dựng,…
  • Rác thải nhựa y tế

Thực trạng rác thải nhựa trên thế giới và Việt Nam

Thực trạng rác thải nhựa trên thế giới

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi phút thế giới tiêu thụ đến 1 triệu chai nhựa, mỗi năm dùng đến 5.000 tỷ túi nilon… chưa kể các chất thải nhựa khác.

Mỗi năm thế giới thải ra môi trường khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 8 triệu tấn bị đổ trực tiếp ra biển. Theo dự báo của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.

Rác thải nhựa bị đổ trực tiếp ra biển
Rác thải nhựa bị đổ trực tiếp ra biển

Trong 50 năm qua, lượng nhựa sử dụng của thế giới đã tăng gấp 20 lần so với quá khứ, dự báo tăng gấp đôi trong 20 năm tiếp theo. Hiện nay, vấn đề hạn chế sử dụng và xử lý rác thải nhựa đang trở thành nhu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam

Theo thống kế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì hằng năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó, có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn bị đổ ra biển (chiếm đến 6% tổng rác thải nhựa ra biển của thế giới).

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, giai đoạn 1990 – 2015 thì số lượng nhựa tiêu thụ của mỗi người dân đã tăng lên hơn 10 lần, từ 3,8 kg/người/năm đến 41 kg/người/năm; trung bình mỗi gia đình sử dụng 1kg túi nilon/tháng.

Chất thải nhựa và túi nilon chiếm đến 8-12% lượng chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 10% lượng rác thải nhựa này không được tái chế và xử lý mà bị thải trực tiếp ra môi trường.

Lượng rác thải nhựa và nilon mỗi ngày của các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM là khoảng 80 tấn. Riêng tại TP.HCM, trong 250.000 tấn rác thải nhựa thì có 48.000 tấn được đem đi chôn lấp, hơn 200.000 tấn được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Đây là những con số “biết nói”, báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tại Việt Nam.

Tác hại rác thải nhựa

Ảnh hưởng đến sức khoẻ con người

  • Rác thải nhựa khi bị vứt ra biển có thể khiến các loài sinh vật nhầm tưởng là thức ăn và nuốt vào, có thể dẫn đến ngộ độc nếu con người ăn phải các sinh vật này.
  • Nếu đốt rác thải nhựa sẽ tạo ra các loại khí độc như: khí dioxin, furan… ảnh hưởng xấu đến tuyến nội tiết, làm giảm hoặc suy yếu hệ miễn dịch, thậm chí gây ung thư cho con người.
  • Nếu đốt túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất… có thể gây ra mưa axit, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và các loài động – thực vật.
  • Sử dụng các sản phẩm nhựa kém chất lượng có thể nhiễm BPA, loại chất độc hại có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như: vô sinh, tiểu đường, ung thư…
Đốt rác thải nhựa sản sinh ra nhiều khí độc
Đốt rác thải nhựa sản sinh ra nhiều khí độc

Ảnh hưởng đến môi trường

Sau khi được chôn lấp, rác thải nhựa sẽ phân rã thành vô số mảnh nhựa siêu nhỏ, ngấm vào trong đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất…, giết chết các vi sinh vật có lợi trong lòng đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thực vật.

Rác thải ở khu vực rừng núi sẽ làm mất kết cấu của đất, giảm khả năng giữ nước, gây ra tình trạng xói mòn và sạt lở đất.

Ảnh hưởng đến sinh vật biển

Rác thải nhựa trên biển sẽ phá hủy, làm suy giảm đa dạng sinh học vì các sinh vật sẽ bị chết nếu mắc hoặc ăn phải loại rác này. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hơn 100 triệu sinh vật biển đã chết vì rác thải nhựa, trong đó có cả cá voi.

Sinh vật biển nuốt phải rác thải nhựa
Sinh vật biển nuốt phải rác thải nhựa

Rác thải nhựa có thể phân hủy trong bao lâu?

Nhựa thường mất rất nhiều thời gian để phân hủy, có thể lên đến 1000 năm. Dưới đây là thời gian phân hủy của một số loại sản phẩm nhựa phổ biến hiện nay:

Sản phẩm nhựa từ nguyên liệu dầu mỏ truyền thống Thời gian phân hủy Sản phẩm thay thế Thời gian phân hủy
Túi nilon, bao nhựa mỏng loại thường 10-100 năm Túi sinh học phân hủy hoàn toàn 6-12 tháng
Túi nhựa dày và dai 500-1000 năm Túi sinh học phân hủy hoàn toàn 6-12 tháng
Các loại chai nhựa 450-1000 năm    
Các chai chất tẩy rửa 500-1000 năm    
Ống hút nhựa 100-500 năm Ống hút sinh học phân hủy hoàn toàn 6-12 tháng
Thìa, dĩa nhựa 100-500 năm Thìa, dĩa sinh học phân hủy hoàn toàn 6-12 tháng
Cốc sữa chua nhựa 100-500 năm    
Bàn chải đánh răng 100-500 năm    
Ly/cốc xốp 50-500 năm    
Quần áo 20-200 năm    
Dây cước câu cá 600 năm    
Nắp chai nhựa 100-500 năm    
Vòng nhựa cố định ở cổ chai 90 năm    
Đầu lọc thuốc lá 10-15 năm    
Tã lót, băng vệ sinh 250-500 năm    

Biện pháp xử lý rác thải nhựa

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân

Đây là biện pháp tốt nhất để giải quyết tận gốc vấn nạn rác thải nhựa bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa, thu gom, phân loại rác, không vứt bừa bãi ra môi trường. Chính vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và các biện pháp xử lý thích hợp.

Phân loại rác tại nguồn

Biện pháp này giúp tiết kiệm tài nguyên bằng cách tận dụng rác thải để tái chế và sản xuất phân bón nhân tạo. Ngoài ra, phân loại rác tại nguồn cũng giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, giảm ô nhiễm và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Phân loại rác thải tại nguồn theo quy định

Cách phân loại rác thải như sau:

  • Rác hữu cơ: các loại rác dễ bị thối rữa như đồ ăn thừa, hư hỏng (rau củ quả, thịt, cá, trứng…), vỏ trái cây,…
  • Rác vô cơ: bao gồm rác tái chế và không tái chế.

Ví dụ: kim loại, giấy, bìa các tông, các loại vỏ chai, đồ nhựa gia dụng… có thể tái sử dụng trực tiếp hoặc chế biến lại. Còn phần thải bỏ là rác không tái chế.

  • Chất thải độc hại: như các loại ắc quy, pin hỏng, đèn huỳnh quang…

Tái chế rác thải nhựa

Đây là phương pháp xử lý rác thải nhựa được ưu tiên tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ưu điểm là tận dụng rác thải để tạo ra các sản phẩm mới, dùng được nhiều lần. Từ đó, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Thiêu đốt

Đây là phương pháp thường được áp dụng tại các nước phát triển vì chi phí đầu tư, vận hành nhà máy đốt rác rất cao.

Thông qua phương pháp xử lý nhiệt độ cao (1.000-1.100C) làm giảm thể tích chất thải chôn lấp (xỉ, tro) và tạo ra năng lượng cho các ngành công nghiệp khác như phát điện, nhiên liệu… Hiện nay, tại Việt Nam cũng chỉ áp dụng phương pháp này để xử lý rác thải độc hại mà thôi.

 

 

Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đúng không? Hạn chế sử dụng đồ nhựa và phân loại rác tại nguồn là cách đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường của mỗi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *