Triết học là gì? Các vấn đề cơ bản của triết học Mác – Lênin

Triết học là gì? Các vấn đề cơ bản của triết học Mác – Lênin
Đánh giá bài viết

Triết học – nỗi ám ảnh đối với bao thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam có thực sự “khó nhằn” và khó hiểu như trong truyền thuyết? Hãy cùng khám phá triết học là gì và phân tích chi tiết các kiến thức liên quan đến triết học Mác – Lênin trong bài viết sau đây nhé!

Triết học là gì?

Triết học tiếng Anh là philosophy, dựa trên định nghĩa triết học là gì lớp 10 thì: Triết học là hệ thống lý luận của con người về thế giới cũng như vị trí, vai trò của con người trong thế giới.

Triết học là lý luận của con người về thế giới
Triết học là lý luận của con người về thế giới

Triết học nghiên cứu những vấn đề về sự tồn tại, giá trị, kiến thức, lý trí, tâm trí và ngôn ngữ. Phương pháp luận của triết học bao gồm đặt câu hỏi, thảo luận, phản biện, lập luận hợp lý và trình bày có hệ thống.

Triết học ra đời khi nào?

Theo các tài liệu lịch sử, triết học ra đời sớm nhất ở Ấn Độ, Trung Quốc và Hy Lạp – ba trung tâm văn hóa lớn nhất thời kỳ cổ đại, vào khoảng thứ VII đến thế kỷ thứ VI trước Công nguyên (TCN).

  • Ấn Độ: Triết học Ấn Độ cổ đại được gọi là “darshana” (chiêm ngưỡng), ngụ ý suy ngẫm là con đường dẫn dắt con người đến với lẽ phải, sự thấu hiểu chân lý về vũ trụ và nhân sinh.
  • Trung Quốc: Triết học hướng đến các vấn đề chính trị – xã hội, truy tìm bản chất và thấu hiểu căn nguyên mọi sự vật, hiện tượng.
  • Hy Lạp: Triết học về con người và khoa học tự nhiên, “triết học tự nhiên”. Được xem như “người mẹ” của các khoa học, triết học Hy Lạp cổ đại có tên gọi là “philosophia” – “tình yêu đối với sự thông thái”.
Triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Sokrates
Triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Sokrates

Ở mỗi quốc gia, triết học ra đời trong điều kiện khác nhau với màu sắc riêng biệt. Tuy nhiên, đối với phương Đông hay phương Tây, triết học vẫn được coi là đỉnh cao của tri thức nhân loại, dựa trên trí óc để khám phá vạn vật.

Đối tượng của Triết học?

  • Thời cổ đại (Thế kỷ V TCN – IV): Triết học cổ đại là đỉnh cao của nền văn minh Hy Lạp, được coi là “khoa học của các khoa học”. Triết học nghiên cứu thế giới thông qua 2 vấn đề chính: mối liên quan giữa nguyên nhân – kết quả và bản chất của thế giới.
  • Thời Trung cổ (Thế kỷ V – XV): Chịu sự ảnh hưởng của thần học Kitô giáo, trong đó mâu thuẫn triết học đáng chú ý trong giai đoạn này là giữa đức tin và lý trí.
  • Thời Phục hưng (Thế kỷ XIV -XVI): đối tượng nghiên cứu là tự nhiên, con người và xã hội.
  • Thời cận đại (Thế kỷ XVII – XVIII): Các quy luật tự nhiên, tư duy, xã hội là đối tượng nghiên cứu của triết học giai đoạn này.
  • Triết học cổ điển Đức: Thời kỳ đỉnh cao của quan niệm “Triết học là khoa học của mọi khoa học”.
  • Triết học Mác: nghiên cứu các quy luật chung của tự nhiên, xã hội và tư duy dựa trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Vấn đề cơ bản của triết học

Triết học có hai vấn đề cơ bản nhất, đó chính là sự đối lập trong tư duy giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật. Trong suốt lịch sử triết học đã ghi nhận sự đấu tranh mạnh mẽ giữa hai phe nhưng không loại bỏ mà bổ sung, hoàn thiện cho nhau.

Giải quyết vấn đề vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào quyết định cái nào?

Các nhà triết học được chia thành hai trường phái:

  • Chủ nghĩa nhất nguyên: tin rằng một yếu tố có trước và quyết định yếu tố còn lại, bao gồm: chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
  • Chủ nghĩa nhị nguyên: tin rằng cả hai yếu tố đều có trước, tồn tại song song và độc lập với nhau.

Con người có khả năng nhận thức thế giới không?

  • Khả tri luận: thừa nhận vào khả năng nhận thức của con người.
  • Bất khả tri luận: phủ nhận vào khả năng nhận thức của con người.
Triết gia Descartes gắn liền với thuyết nhị nguyên
Triết gia Descartes gắn liền với thuyết nhị nguyên

Các trường phái triết học trong lịch sử

  • Trường phái 1: Những người cho rằng vật chất có trước và quyết định ý thức. Họ được gọi là các nhà triết học duy vật biện chứng và các học thuyết hợp thành chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy vật tin rằng ý thức là sự phản ánh của thế giới vật chất và con người có khả năng nhận thức thế giới.
  • Trường phái 2: Những người cho rằng ý thức có trước và giữ vai trò quyết định. Họ được gọi là nhà triết học duy tâm và các học thuyết hợp thành chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa duy tâm tin rằng ý thức là sự tự nhận thức, tự hồi tưởng của linh hồn bất tử của ý niệm tuyệt đối.
  • Trường phái 3: Những người cho rằng ý thức và vật chất tồn tại song song, đều là nguồn gốc tạo ra thế giới, không cái nào quyết định cái nào. Họ được gọi là các nhà nhị nguyên và các học thuyết hợp thành học thuyết nhị nguyên luận. Họ tin rằng con người không thể nhận thức thế giới hoặc chỉ biết được vẻ ngoài của thế giới.

Vai trò của triết học trong đời sống xã hội

Vai trò của triết học trong đời sống xã hội được thể hiện qua các chức năng. Triết học có hai chức năng cơ bản là chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận.

Chức năng thế giới quan

Thế giới quan giúp con người nhận thức đúng bản chất của sự vật, sự việc và định hướng hành động. Nếu con người được thế giới quan khoa học soi sáng sẽ xác định đúng mối quan hệ giữa con người và đối tượng, từ đó có phương hướng, mục tiêu và cách thức hoạt động đúng đắn. Ngược lại, con người sẽ không xác định đúng mục tiêu, phương hướng và cách thức hoạt động, không đạt được kết quả mong muốn.

Triết học giúp con người nhận thức đúng bản chất của tự nhiên
Triết học giúp con người nhận thức đúng bản chất của tự nhiên

Chức năng phương pháp luận

Phương pháp luận là hệ thống quy tắc được rút ra từ quy luật thế giới khách quan và là cơ sở quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Việc hoàn thiện phương pháp luận giúp các nhà khoa học tìm ra những cách tiếp cận mới, xác định đúng hướng đi và cải cách thế giới.

3 cấp bậc chính của phương pháp luận:

  • Phương pháp luận ngành: được áp dụng cho các ngành khoa học như vật lý, hóa học, sinh học…
  • Phương pháp luận chung: được áp dụng để xác định phương pháp luận của nhóm ngành có chung đối tượng nghiên cứu.
  • Phương pháp luận chung nhất: được áp dụng để khái quát nguyên tắc, quan điểm, là cơ sở xác định các phương pháp luận ngành và chung cũng như các hoạt động thực tiễn.

Tổng quan về triết học Mác – Lênin

Triết học Mác Lênin là gì?

Là một hệ thống lý luận do Mác và Ăngghen sáng lập, được Lênin và các nhà Macxit khác phát triển thêm, bao gồm chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Triết học Mác - Lênin hiện đại
Triết học Mác – Lênin hiện đại

Nguồn gốc của triết học Mác – Lênin

Theo giáo trình triết học Mác -Lênin, các tiền đề kinh tế – xã hội là nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành và phát triển triết học Mác.

  • Chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở các nước Tây Âu

Từ những năm 30 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã trở thành hệ thống kinh tế thống trị ở Tây  u. Trong vòng chưa đầy một thế kỷ, giai cấp tư sản đã tạo ra lực lượng sản xuất lớn mạnh và nhiều hơn lực lượng sản xuất của tất cả thế hệ trước cộng lại.

  • Mâu thuẫn không thể điều hoà giữa vô sản và tư sản

Đó chính là mâu thuẫn giữa trình độ phát triển ngày càng cao của lực lượng sản xuất và tính tư hữu trong sở hữu tư liệu sản xuất, tổ chức và phân phối sản phẩm lao động. Giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư khiến giai cấp vô sản bị bần cùng hóa.

  • Giai cấp vô sản đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản

Giai cấp vô sản đã ý thức được các lợi ích căn bản và đứng lên đấu tranh. Từ hình thức tự phát ban đầu, đình công, bãi công, biểu tình tuần hành đến phong trào công nhân có tính tự giác.

Thực tiễn cách mạng của phong trào công nhân đã tạo nên bước ngoặt trong quan niệm về lịch sử, nảy sinh yêu cầu khách quan về lý luận khoa học, thế giới quan mới: thế giới quan triết học mácxít.

Triết học Mác - Lênin ra đời từ cuộc cách mạng của giai cấp vô sản
Triết học Mác – Lênin ra đời từ cuộc cách mạng của giai cấp vô sản

Các nội dung cơ bản của triết học Mác – Lênin

Chủ nghĩa duy vật giải thích mối quan hệ giữa vật chất và ý thức một cách biện chứng. Theo đó, thế giới không có gì khác ngoài vật chất đang vận động trong không gian và thời gian. Còn ý thức chỉ là sản phẩm của bộ óc con người, là sự phản ánh các sự vật, hiện tượng và là hình ảnh chủ quan của thế giới vật chất.

Do đó, trong mối quan hệ này, vật chất là cái có trước, quyết định và tồn tại độc lập với ý thức. Còn ý thức là cái có sau, tuy nhiên có thể kìm hãm hoặc đẩy nhanh sự phát triển của thế giới vật chất.

Triết học Mác -Lênin kế thừa và phát triển các nguyên lý của phép biện chứng trong triết học Hegel dựa trên lập trường duy vật.

  • Mỗi kết cấu vật chất đều có vô số mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, tạo thành có 6 phạm trù triết học cơ bản là: Phạm trù cái chung và cái riêng, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực.
  • Mọi sự vật và sự phản ánh của chúng trong tư duy con người đều biến đổi không ngừng do sự đấu tranh giữa các mặt đối lập trong lòng sự vật. Đó là sự chuyển hoá từ biến đổi về lượng thành biến đổi về chất và ngược lại, vận động tiến lên theo đường xoáy trôn ốc, không phải đường thẳng.

Nội dung của hai nguyên lý trên được thể hiện trong 3 quy luật chính của chủ nghĩa biện chứng duy vật: quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, sự chuyển hóa biến đổi về lượng thành biến đổi về chất và ngược lại, phủ định cái phủ định.

Lý luận nhận thức và chủ nghĩa duy vật lịch sử: nhận thức là quá trình phản ánh liên tục thế giới tự nhiên của con người, không dừng lại ở sự phản ánh đơn giản, trực tiếp, nhờ đó tư duy ngày càng rộng mở và tiến gần đến khách thể.

Ý nghĩa của triết học Mác – Lênin

Triết học Mác-Lênin góp phần quan trọng trong việc định hướng nhận thức và quá trình đấu tranh của giai cấp vô sản. Như Các Mác đã từng phát biểu, triết học coi giai cấp vô sản là vũ khí vật chất, còn giai cấp vô sản coi triết học là vũ khí tinh thần của mình.

Hệ thống triết học này không chỉ dừng ở việc lý giải bản chất của tự nhiên và thế giới như các nhà triết học trước đây mà còn có tinh thần cách mạng, thay đổi xã hội và cải tạo thế giới.

Trên đây là thông tin tổng quan về triết học. Hy vọng những phân tích, lý giải trong bài viết có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về các nội dung cơ bản và vai trò của triết học trong thực tiễn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *