Đơn chất là gì? Hợp chất là gì? cho ví dụ

Đơn chất là gì? Hợp chất là gì? cho ví dụ
Đánh giá bài viết

Đơn chất và hợp chất lớp 8: Lý thuyết trọng tâm đơn chất là gì? Hợp chất là gì? Hợp chất ion? Đặc điểm, phân loại đơn chất và hợp chất, giải các bài tập liên quan. Cùng tìm hiểu đơn chất và hợp chất trong bài viết dưới đây của mayruaxegiadinh.com.vn để nắm vững kiến thức ngắn gọn này.

Đơn chất

Như chúng ta đã biết, trong sách Giáo khoa Hóa học lớp 8 đã định nghĩa rất rõ ràng về khái niệm đơn chất là gì. Theo định nghĩa đó thì: “Đơn chất là những chất được tạo nên từ một nguyên tố hóa học”.

Thế nào là đơn chất? Lưu huỳnh là một ví dụ về đơn chất.
Thế nào là đơn chất? Lưu huỳnh là một ví dụ về đơn chất.

Đơn chất là gì cho ví dụ?

  • Khí hidro được tạo nên từ duy nhất một nguyên tố hóa học tương ứng là H => Hidro là một đơn chất.
  • Lưu huỳnh được tạo nên từ duy nhất một nguyên tố hóa học tương ứng là S => Lưu huỳnh là một đơn chất.
  • Sắt được tạo nên từ duy nhất một nguyên tố hóa học tương ứng là Fe => Sắt là một đơn chất.
  • Nhôm được tạo nên từ duy nhất một nguyên tố hóa học tương ứng là Al => Nhôm là một đơn chất.
  • Thiếc được tạo nên từ duy nhất một nguyên tố hóa học tương ứng là Sn => Thiếc là một đơn chất.

Lưu ý:

Tên của đơn chất bất kỳ sẽ trùng với tên của nguyên tố tạo nên nó, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ.

Từ một nguyên tố hóa học có thể tạo nên được nhiều dạng đơn chất khác nhau. Ví dụ như: Nguyên tố cacbon có thể tạo nên các đơn chất như: than chì, than gỗ, than nguội hay kim cương.

Đơn chất có mấy loại?

Đơn chất gồm mấy loại thì đơn chất được chia thành 2 loại chính là: đơn chất kim loại và đơn chất phi kim.

Đơn chất kim loại là gì?

Đặc điểm: Các đơn chất kim loại đều có khả năng dẫn nhiệt, dẫn điện tốt và có ánh kim. Ví dụ về các đơn chất kim loại điển hình như: Kẽm, Sắt, Đồng, Vàng, Thiếc,….

Tính chất hóa học: Các đơn chất kim loại có phản ứng với oxi ở nhiệt độ thường và ở nhiệt độ cao để tạo thành oxit, trừ Au và Pt; Tác dụng được với các phi kim khác để tạo thành muối ở nhiệt độ thường; Tác dụng với các dung dịch axit cho ra sản phẩm gồm muối và H2. Các kim loại mạnh (trừ nhóm I, Ca, Ba,…) đều có khả năng đẩy các kim loại yếu ra khỏi dung dịch muối.

O2 là đơn chất phi kim.
O2 là đơn chất phi kim.

Đơn chất phi kim là gì?

Đặc điểm: So với đơn chất kim loại thì đơn chất phi kim mang những tính chất trái ngược hoàn toàn. Trừ than chì ra thì các đơn chất phi kim còn lại đều không dẫn điện, dẫn nhiệt.

Đơn chất phi kim tồn tại chính ở 3 trạng thái gồm: rắn, lỏng và khí. Một số ví dụ về các đơn chất phi kim điển hình như: Khí Oxi, khí Hidro, Lưu huỳnh hay chất Brom,….

Tính chất hóa học: Các đơn chất phi kim tác dụng được với oxi tạo thành các oxit; Tác dụng với hidro để tạo thành các hợp chất khí và tác dụng với kim loại ở nhiệt độ cao tạo thành muối hoặc oxit.

Đặc điểm cấu tạo của đơn chất

Cấu tạo của đơn chất kim loại và đơn chất phi kim có những đặc điểm khác biệt nhau. Trong khi các đơn chất phi kim có các nguyên tử thường liên kết với nhau theo một số nhất định và thường là 2 thì các đơn chất kim loại lại có các nguyên tử sắp xếp khít nhau theo một trật tự xác định.

Đặc điểm cấu tạo của các đơn chất kim loại.
Đặc điểm cấu tạo của các đơn chất kim loại.
Đặc điểm cấu tạo của các đơn chất phi kim.
Đặc điểm cấu tạo của các đơn chất phi kim.

Công thức hóa học của đơn chất

Công thức hóa học của đơn chất khá đơn giản, nó chỉ gồm ký hiệu hóa học của một nguyên tố tương ứng tạo nên đơn chất đó.

Công thức hóa học của đơn chất kim loại: hạt hợp thành là các nguyên tử vì thế ký hiệu hóa học A của nguyên tố được coi chính là công thức hóa học (CTHH). Ví dụ: Đồng có CTHH là Cu, Sắt có CTHH là Fe, Kẽm có CTHH là Zn, Vàng có CTHH là Au,….

Công thức hóa học của đơn chất phi kim: Vì nhiều phi kim có phân tử gồm các nguyên tử liên kết với nhau và thường là 2 mà vì thế CTHH sẽ thêm chỉ số này ở phần chân ký hiệu. Ví dụ như: Nitơ có CTHH là N2; Khí Hidro có CTHH là H2; khí cacbon có CTHH là C2,….

Lưu ý: Một vài phi kim sẽ lấy kí hiệu để làm công thức như là: than có CTHH là C hay Lưu huỳnh có CTHH là S.

Hợp chất

Hình ảnh cấu trúc hợp chất ion.
Hình ảnh cấu trúc hợp chất ion.

Hợp chất là gì cho ví dụ?

Hợp chất được định nghĩa là những chất mà chúng được tạo nên từ hai hoặc nhiều nguyên tố hóa học. Các nguyên tố trong hợp chất này liên kết với nhau theo một tỷ lệ cũng như một thứ tự nhất định.

Ví dụ về hợp chất như:

  • Nước (H2O) được tạo nên bởi 2 nguyên tố hóa học là Hidro và Oxi = > Nước là hợp chất.
  • Axit Sulfuric (H2SO4) được tạo nên bởi 3 nguyên tố hóa học là Hidro, Lưu huỳnh và Oxi => Axit Sulfuric là hợp chất.

Hợp chất gồm mấy loại?

Hợp chất được chia thành 2 loại chính gồm: hợp chất hữu cơ và hợp chất vô cơ.

Hợp chất hữu cơ là gì?

Hợp chất hữu cơ là một lớp lớn của những hợp chất hóa học mà trong chúng các phân tử có chứa C, trừ các cacbua, cacbon ôxít (mônôxít và điôxít), cacbonat hay xyanua.

Sự nghiên cứu về các hợp chất hữu cơ hay còn gọi là hóa hữu cơ. Có rất nhiều hợp chất hữu cơ là những chất có tầm quan trọng trong hóa sinh học chẳng hạn như: protein; chất béo hay cacbohydrat (đường),….

Ví dụ về hợp chất hữu cơ như: rượu, axit axetic,….

Công thức phân tử của hợp chất hữu cơ.
Công thức phân tử của hợp chất hữu cơ.

Hợp chất vô cơ là gì?

Hợp chất vô cơ bao gồm các khí CO, CO2, H2CO3 hay các muối cacbonat, hidrocacbonat cùng các hợp chất không có mặt nguyên tử C. Trong khi các hợp chất hữu cơ thường liên quan đến các quá trình sinh học thì hợp chất vô cơ lại được xem như là một kết quả của sự tổng hợp từ các quá trình địa chất.

Các nhà hóa học hữu cơ truyền thống vốn cho rằng bất kỳ phân tử nào có chứa C đều là các hợp chất hữu cơ mà vì thế, hóa học vô cơ được mặc định là nghiên cứu về các phân tử mà trong chúng không có chứa nguyên tử C.

Hợp chất vô cơ được chia thành 4 loại gồm: oxit, axit, bazo và muối.

Oxit là một hợp chất gồm một nguyên tố kết hợp với một hay nhiều các nguyên tử O. Oxit được phân thành 4 loại: Oxit axit, Oxit bazo, Oxit lưỡng tính và Oxit trung tính.

  • Oxit axit: là những oxit mà cấu tạo của nó gồm 1 nguyên tố phi kim liên kết với O và có 1 axit tương ứng. Ví dụ: SO2, CO2 ,…
  • Oxit bazo: là các oxit được cấu tạo từ 1 nguyên tố kim loại liên kết với O và có 1 bazo tương ứng. Ví dụ: CaO, Fe3O4,…
  • Oxit lưỡng tính: là các oxit vừa có 1 bazo tương ứng lại vừa có 1 oxit tương ứng. Ví dụ: Al2O3, ZnO,….
  • Oxit trung tính: hay còn gọi là các oxit không tạo muối, các oxit không có axit hay bazo tương ứng nào. Ví dụ: CO, NO,….
Đặc điểm cấu tạo của các hợp chất vô cơ.
Đặc điểm cấu tạo của các hợp chất vô cơ.

Đặc điểm của hợp chất

Trong hợp chất các nguyên tử liên kết với nhau theo một tỷ lệ cố định và theo một trật tự nhất định. Chúng ta có thể hiểu điều này có nghĩa là trong một phân tử thì số lượng nguyên tử là cố định nên không thay đổi được.

Ví dụ như phân tử nước được tạo nên bởi 2 nguyên tố gồm: 2 nguyên tố hidro và 1 nguyên tố oxy. Số lượng nguyên tử Oxi và nguyên tử Hidro là không thể thay đổi được và nếu có sự thay đổi về số lượng 2 nguyên tử này thì ta hiểu nó là một chất khác mà không còn phải là nước nữa.

Trong phân tử nước, về trật tự liên kết thì có góc liên kết là 104,45o và nó sẽ không thay đổi nhiều tạo nên đặc điểm cấu tạo của nước và điều này chúng ta có thể so sánh được với các chất khác.

Đặc điểm cấu tạo của hợp chất.
Đặc điểm cấu tạo của nước

Phản ứng hóa học của hợp chất là gì?

Một hợp chất có thể được bằng cách tương tác với một hợp chất hóa học thứ hai để thành một một thành phần hóa học khác nhau thông qua một phản ứng hóa học.

Trong quá trình này, trong cả 2 hợp chất tương tác sẽ diễn ra sự phá vỡ liên kết giữa các nguyên tử và sau đó liên kết được cải tổ tạo điều kiện cho các liên kết mới được tạo ra giữa những nguyên tử.

Theo sơ đồ, phản ứng này có thể được mô tả bằng phản ứng tổng quát như sau:

AB + CD → AD + CB

Trong đó: A,B,C,D là mỗi nguyên tử duy nhất và AB, AD, CB và CD là mỗi hợp chất duy nhất.

Phân tử

Định nghĩa

Phân tử là các hạt đại diện cho chất và nó gồm một số nguyên tử liên kết với nhau, thể hiện đầy đủ các tính chất hóa học của chất.

Ví dụ: Khí Hidro (H) và Oxi (O) là 2 nguyên tử cùng loại liên kết với nhau.

  • 2H liên kết với 1O => Nước
  • 1Na liên kết với 1Cl => Muối ăn.

 Phân tử khối

Phân tử khối được xác định là khối lượng của một phân tử và được tính theo đơn vị Cacbon (đvC).

Ví dụ:

  • O2 = 2.16 = 32 đvC
  • Cl2 = 71 đvC
  • CaCO3 = 100 đvC
  • H2SO4 = 98 đvC.

Trạng thái của chất

Các dạng bài tập áp dụng

DẠNG 1: BÀI TẬP VỀ LÝ THUYẾT

=> Phương pháp giải:

Học sinh cần nắm vững được một số các khái niệm cơ bản như:

  • Đơn chất là gì? Là các chất được tạo nên từ duy nhất một nguyên tố hóa học. Ví dụ đơn chất như: S, C, Cu, Al,…
  • Hợp chất là gì? Là các chất được tạo nên từ hai hay nhiều các nguyên tố hóa học khác nhau. Ví dụ hợp chất như: H2O, NaCl, H2SO4,….
  • Phân tử là gì? Là hạt đại diện cho chất, nó bao gồm các nguyên tử liên kết với nhau và nó thể hiện đầy đủ các tính chất hóa học của chất.

Ví dụ 1: Đơn chất là các chất được tạo nên bởi bao nhiêu nguyên tố hóa học?

  1. Nhiều hơn 2 nguyên tố
  2. Chỉ duy nhất 1 nguyên tố
  3. Gồm 4 nguyên tố
  4. Gồm 2 nguyên tố

=> Giải:

Đơn chất gồm các chất được tạo nên bởi duy nhất 1 nguyên tố hóa học => Đáp án B.

Ví dụ 2: Có bao nhiêu đơn chất, bao nhiêu hợp chất trong các chất dưới đây?

Axit photphoric (chứa 3 nguyên tố: H,P,O); Axit cacbonic được tạo nên bởi các nguyên tố gồm: cacbon, hidro và oxi; Kim cương được tạo nên bởi nguyên tố C; Khí ozon có CTHH là O3; Kim loại bạc tạo nên từ nguyên tố Ag; Khí cacbonic tạo nên từ các nguyên tố gồm: C và 2O; Axit sulfuric tạo nên từ các nguyên tố: 2H, S, 4O; Than chì tạo nên từ nguyên tố C; Khí axetilen tạo nên từ các nguyên tố: 2C và 2H.

  1. Có 4 đơn chất, 5 hợp chất
  2. Có 5 đơn chất, 4 hợp chất
  3. Có 6 đơn chất, 3 hợp chất
  4. Có 3 đơn chất, 6 hợp chất

=> Giải:

Những đơn chất gồm: Kim cương được tạo nên bởi nguyên tố C; Khí ozon có CTHH là O3; Kim loại bạc tạo nên từ nguyên tố Ag; Than chì tạo nên từ nguyên tố C.

Những hợp chất gồm: Axit photphoric (chứa 3 nguyên tố: H,P,O); Axit cacbonic được tạo nên bởi các nguyên tố gồm: cacbon, hidro và oxi; Khí cacbonic tạo nên từ các nguyên tố gồm: C và 2O; Axit sulfuric tạo nên từ các nguyên tố: 2H, S, 4O; Khí axetilen tạo nên từ các nguyên tố: 2C và 2H.

Như vậy thì có 4 đơn chất và 5 hợp chất => Đáp án chính xác là A.

Bài tập về đơn chất, hợp chất hoá học 8
Bài tập về đơn chất, hợp chất hoá học 8

DẠNG 2: BÀI TẬP VỀ XÁC ĐỊNH PHÂN TỬ KHỐI CỦA CHẤT

=> Phương pháp giải:

Xác định nguyên tử khối của hợp chất bằng tổng nguyên tử khối của những nguyên tử có mặt trong hợp chất.

Ví dụ: Phân tử khối của hợp chất AxBy được tính như sau: x . A + y . B

Trong đó:

Nguyên tử khối của 2 nguyên tố là A và B.

Số nguyên tử A và B có trong 1 phân tử AxBy được ký hiệu là x và y.

Ví dụ 1: Cho các hợp chất sau: Fe2O3, MgCO3, Na2SO4. Hãy tính phân tử khối của các hợp chất đã cho trên.

=>Giải:

  • Fe có nguyên tử khối là 56 đvC; O có nguyên tử khối là 16 đvC

=> Fe2O3 có phân tử khối là: 2.56 + 3.16 = 160 đvC

  • Mg có nguyên tử khối là 24 đvC; C có nguyên tử khối là 12đvC và nguyên tử khối của O là 16 đvC.

=> MgCO3 có phân tử khối là: 1.24 + 1.12 + 3.16 = 84 đvC

  • Na có nguyên tử khối là 23 đvC; nguyên tử khối của S là 32 đvC và nguyên tử khối của O là 16 đvC.

=> Na2SO4 có phân tử khối là: 2.23 + 32 + 4.16 = 142 đvC.

Bài tập trắc nghiệm về đơn chất và hợp chất

Câu hỏi 1: Chất được phân chia gồm:

  1. Đơn chất + Hỗn hợp
  2. Đơn chất + Hợp chất
  3. Hợp chất + Hỗn hợp
  4. Đơn chất + Hỗn hợp + Hợp chất

=> Đáp án: B

Câu hỏi 2: Rượu nguyên chất vốn là một loại chất lỏng được cấu tạo bởi các nguyên tố gồm: cacbon, hidro và oxi. Theo đó, rượu nguyên chất phải là?

  1. Rượu nguyên chất là một hỗn hợp
  2. Rượu nguyên chất là một hợp chất
  3. Rượu nguyên chất là một đơn chất
  4. Rượu nguyên chất là một phi kim

=> Đáp án: B

Câu hỏi 3: Hãy cho biết dãy các chất nào dưới đây chỉ toàn là đơn chất?

  1. Fe(NO3)2, NO, C, S
  2. Mg, K, C, S, N2
  3. Fe, NO2, H2O
  4. Cu(NO3)2, KCL, HCl

=> Đáp án: B

Câu hỏi 4: Cho các công thức hóa học gồm: Al, P, H2, O2, N2, H2O, Al2O3, AlCl3. Có bao nhiêu đơn chất trong số đó?

  1. 6
  2. 5
  3. 4
  4. 3

=> Đáp án: C

Câu hỏi 5: Hãy xác định đâu là các hợp chất hữu cơ trong số các công thức hóa học sau: O2, CO2, CH4, H2S, C2H5OH?

  1. CO2, C2H5OH
  2. O2, CH4
  3. CH4, C2H5OH
  4. CH4, H2S

=> Đáp án: C

Câu hỏi 6: Có bao nhiêu đơn chất kim loại trong số các công thức hóa học sau: O2, Na, K, Cu, Cl2, CO2, H2O?

  1. 6
  2. 5
  3. 4
  4. 3

=> Đáp án: D

Câu hỏi 7: Khi tiến hành đốt lưu huỳnh trong không khí thì lưu huỳnh hóa hợp với oxi để tạo thành chất khí sunfurơ – một chất khí có mùi hắc. Hỏi khí sunfurơ là đơn chất hay hợp chất và được tạo nên từ những nguyên tố nào?

=> Đáp án: Khí sunfurơ được tạo nên bởi 2 nguyên tố là O và S vì thế nó là một hợp chất.

Câu hỏi 8: Đường khi đun nóng sẽ bị phân hủy và biến đổi thành than và nước. Như vậy đường là đơn chất hay hợp chất và phân tử của nó được tạo nên bởi những nguyên tử của nguyên tố nào?

=> Đáp án:

Ta có: Than do nguyên tố C tạo nên và nước do 2 nguyên tố là O và H tạo nên.

Do đó, đường là một hợp chất và nó được tạo nên từ 3 nguyên tố là: C, H và O.

Câu hỏi 9: Bari oxit được tạo nên bởi 2 nguyên tố gồm bari và oxi. Khi tiến hành cho bari oxit vào nước thì nó hóa hợp với nước để tạo thành chất mới được gọi là bari hidroxit. Hãy xác định những nguyên tử có trong phân tử của Bari hidroxit?

=> Đáp án:

Ta có: Bari oxit được tạo nên bởi 2 nguyên tố gồm Ba và O; nước được tạo nên bởi 2 nguyên tố gồm H và O.

Do đó, trong phân tử của bari hidroxit gồm những nguyên tố là: Ba, O và H.

Câu hỏi 10: Khi thực hiện nung nóng Bari Cacbonat thì nó biến thành 2 chất mới gồm: bari oxit và khí cacbonic. Hãy xác định những nguyên tố cấu tạo nên bari cacbonat?

=> Đáp án:

Ta có: Bari oxit được tạo nên bởi 2 nguyên tố gồm Ba và O; Khí cacbonic được tạo nên bởi 2 nguyên tố gồm C và O.

Do đó, bari cacbonat được tạo nên bởi 3 nguyên tố gồm: Ba, C và O.

Lời Kết

Trên đây, mayruaxegiadinh.com.vn đã tổng hợp lại những kiến thức tổng quát về đơn chất là gì? Hợp chất là gì? cũng như những đặc điểm, công thức hóa học của đơn chất và hợp chất. Cùng với phương pháp giải các dạng bài tập liên quan hy vọng giúp các bạn hiểu rõ được phần lý thuyết hóa học này.

Đừng quên để lại lời nhắn nếu bạn còn điều gì thắc mắc và cần chúng tôi giải đáp hoặc góp ý để bài viết được hoàn chỉnh hơn bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *